Lên rừng mua muối

 25/11/2018  Đăng bởi: Admin

Lên rừng mua muối

Một anh bạn ở Bạc Liêu gọi điện nhờ tôi mua dùm 5kg muối tôm của Trảng Bàng, Tây Ninh, vì biết tôi thường có việc đi lại vùng này. Nghe thắc mắc mua chi nhiều dữ vậy, anh bạn nói không chỉ nhà anh mà còn có nhiều bạn bè ở dưới đó cũng rất ưa món này.

Gác máy, ngẫm nghĩ, tôi chợt giật mình vì cái sự “chở củi về rừng” trái khoáy này. Xưa nay đặc sản ẩm thực của mỗi vùng thường gắn liền với những sản vật riêng có của vùng đất ấy. Trong khi Tây Ninh chưa xa còn là miệt “động rừng”, không muối cũng chẳng tôm. Ông Bảy Cộ, một lão nông 87 tuổi ở Bời Lời, vùng căn cứ kháng chiến suốt hai cuộc chiến tranh của Trảng Bàng cho biết, câu chuyện “đói muối” không chỉ có ở các buôn làng Tây Nguyên, mà ngay tại Bời Lời trong thời kỳ “miền Đông gian lao mà anh dũng”, những người kháng chiến đã phải đốt cỏ tranh lấy tro để lắng tìm muối cho sự sống còn. Dù Bời Lời cách biển chỉ hơn trăm km…

Đặc sản của tình mẹ                                                                                                                  

Chiếc lò sấy muối trị giá 1 thùng bia kèm mồi  

Không cần tới Trảng Bàng, ngược đường xuyên Á chưa đến Củ Chi đã thấy hai bên đường nhan nhản những lều quán bán món muối tôm chào mời viễn khách. Nhưng “sự lạ” này chỉ xuất hiện rộ lên trong vài năm trở lại đây.

Chị Lê Thị Mỹ Vân nhớ lại, khi chị tình cờ quen dì Sáu Lương là vào năm 1994. Lúc đó chị còn ngược xuôi bán hàng bông (rau cải) quanh các chợ Trảng Bàng, Bàu Đồn, Long Hoa. Dì Sáu Lương cũng là bạn hàng bán lẻ rau cải. Bữa cơm trưa của bà lão ngoài 70 tuổi này luôn duy nhất với một bọc nhỏ có màu đo đỏ không ra thức ăn, cũng chẳng phải thức chấm. Bà lại hay san sẻ món riêng ấy cho những bạn hàng chung quanh và ai cũng thích. Hỏi ra thì đó là món ngày xưa bà đã tự chế để tiếp tế cho con trai đi kháng chiến trên rừng. Lúc đầu sợ con thiếu đường, bà ngào cơm khô với đường chải (đường thô, dạng mềm) gởi vô. Không lâu thì con trai nhắn về nói chân cẳng sưng phù vì thiếu muối. Người mẹ thắt ruột biết con không chỉ thiếu muối, thiếu đường mà chắc chắn còn thiếu cả thịt, cá. Nhưng không có cách nào trữ lâu thịt, cá dưới địa đạo, trong rừng già. Bà nghĩ ra cách nghiền vụn tôm khô và muối rồi rang cho thật khô để con trữ ăn được lâu. Từ đó bà cũng trữ luôn món này cho mình, ăn riết thành ghiền. Cái ghiền nó lây sang mấy bà bạn hàng, nhưng xin hoài cũng tội bà lão, nên chị Vân xui bà làm nhiều để các chị được mua, luôn tiện bán kèm cho khách mua rau cải, vì món này đem nêm vào canh cũng rất ngon.

Nhà sáng chế bất đắc dĩ

Món ngon của bà Sáu Lương có một nhược điểm là nếu để lâu hơn tuần sẽ bốc mùi khai, vì thịt tôm lên men. Làm thủ công lắt nhắt mỏi mệt mà không lời bao nhiêu, nên bà Sáu thôi làm. Tiếc món ăn ngon, chị Vân về mày mò thử làm rồi thêm bớt gia vị, canh đo độ lửa và co giãn thời gian chế biến, cuối cùng chẳng những “phục chế” được món ngon bà Sáu mà chị còn tìm ra bí quyết để “hoá giải” cái mùi khai lên men. Không chỉ thế, món muối của chị Vân dù vẫn đậm đà, nhưng cái phần muối, tuy không giảm, nhưng nó tỏ ra “nhẹ hơn”, “tan” nhanh hơn trong mỗi miếng ăn, là do chị tìm ra cách thức rang riêng muối ở một nhiệt độ thấp trong thời gian lâu hơn. Hồi hộp chờ đợi, thử tới thử lui qua một, ba rồi sáu tháng đều thấy mùi vị món muối tôm vẫn chưa thay đổi, chị Vân biết là mình đã thành công. Chị quyết định bỏ nghề hàng bông. Anh Phạm Công Trấn, chồng chị Vân, trước đó hết bỏ mối nước đá tới bánh mì, cũng bỏ hết các việc, dốc sức cùng vợ.

Gian nan để nên thương hiệu

Dấu tích còn lại của 5 năm đầu gian nan theo nghề muối là ngón út trên bàn tay phải của chị Vân bị dị tật không còn ngay ra được, do cầm nắm dụng cụ lao động trong một tư thế quá lâu ngày. Dụng cụ xay là cái cối xay cá quay tay “made in Chợ Lớn” quay phồng rộp cả tay, chốc lát lại hóc, kẹt, tuột lưỡi. Bếp lò, soong, chảo trong nhà đều được huy động. Có khi vợ chồng phải hùng hục làm cả đêm để ban ngày đi bỏ mối ký gởi khắp các chợ trong tỉnh. Về sau, anh chị phải cho hai cháu lớn thôi học khi chúng vừa tốt nghiệp phổ thông để có thêm lao động. Mắt chị Vân vẫn còn buồn rười rượi khi nói điều này, vì các con chị học giỏi có tiếng trong vùng, từ tiểu học cho đến trung học. Bằng chứng là cô gái thứ tư đã đậu thẳng vào khoa báo chí của Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM trong lần thi đầu tiên.

Đến năm 2001, khi sản phẩm quen với thị trường và có nhiều người đặt hàng, anh Trấn thay đổi việc rang sấy tay bằng cách cải tiến lại chiếc lò bánh mì cũ. Cũng là do anh có thời gian bỏ mối bánh mì, nên chiếc lò cũ này được anh mua lại của một người quen với giá chỉ 1 thùng bia lon và vài chục ngàn đồng mồi nhậu. Thế mà qua năm năm, nó đã tận tuỵ giúp anh chị tạo dựng ra cơ nghiệp của ngày hôm nay. Theo anh Trấn, hiện nay sản phẩm muối tôm, muối tiêu và muối sả mang nhãn hiệu Mỹ Vân của nhà anh chị chiếm đến nửa thị trường khu du lịch núi Bà Đen, trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra chúng đã có mặt trong một số siêu thị Sài Gòn, được bán sang Campuchia và Lào qua đường tiểu ngạch. Nhưng quan trọng hơn, cũng là điều không vui của cơ sở Mỹ Vân là có hơn một nửa sản lượng sản xuất của họ ở đây được bán “thô” cho một công ty tại TP.HCM, họ đóng gói bao bì và nhãn hiệu của họ rồi xuất qua Nhật, Singapore, Canada… Dù biết mình đang “bán lúa non”, nhưng anh chị cũng hiểu, nó không còn trong tầm tay của mình.

Biết rồi, khổ lắm…

Khi cơ sở sản xuất Mỹ Vân bắt đầu ăn nên làm ra, thì chị Vân mới hay không chỉ có muối của nhà mình mà còn rất nhiều muối không thể biết hết là chúng của nhà ai, tràn ra đầy ven đường xuyên Á và các khu du lịch, các trung tâm thương mại trong tỉnh, cũng mang cùng tên “muối tôm”, cùng có màu sắc na ná và lại có giá rẻ hơn chút xíu, còn chất lượng thì không thể biết được.

“Tôi là dân lính, thích ngay thẳng và không biết nhờ vả, nên luôn thực hiện đủ các quy định của nhà nước. Đây, anh coi!”. Anh Trấn đưa tôi một sơ mi dày đủ thứ giấy tờ từ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho tới giấy chứng nhận sức khoẻ. “Thuế má tôi khai đúng, đóng đủ. Biết làm vậy là “thiệt hại”, người ta ăn gian như chơi, nhưng vì tôi tính làm thiệt, làm lâu dài”, anh Trấn bức xúc. Và anh nổi nóng thật sự khi nói tới chuyện kiểm tra hàng giả: “Mình phát hiện người ta làm giả hàng của mình, làm tờ tố cáo rồi còn phải viết đơn yêu cầu “liên ngành” kiểm tra, phải dẫn đường, thuê xe đưa đón, chi này chi kia, chi phí không thua gì họ bị phạt”.

Nghe đâu Bộ khoa học và công nghệ đang giúp cho Tây Ninh đăng ký 2 thương hiệu hàng hoá đặc sản truyền thống là muối tôm và bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Hỏi thăm thì chị Vân nói nghề muối của chị chưa được lập hiệp hội và cũng không biết nếu “nhà nước” đăng ký thì ai sẽ là chủ sở hữu của thương hiệu này?

Dù cuộc đọ sức để được làm chủ sở hữu một sản phẩm do chính mình nghĩ ra và làm ra của nhà chị Vân đang giống như cuộc đánh vật với… không khí. Nhưng đôi vợ chồng này vẫn chưa nản chí. Sau nhiều tháng cùng nhau vắt óc thức đêm, họ đang sắp sửa cho ra một hệ thống sản xuất đúng tiêu chuẩn do một doanh nghiệp Nhật đưa ra, từ môi trường sản xuất cho tới chất lượng sản phẩm. Và nếu thành công, họ sẽ xuất hàng đi Nhật với nhãn hiệu của chính mình.

“Chỉ có một điều làm tôi buồn nhất, đó là khi vợ chồng tôi làm ăn được thì cô Sáu Lương đã qua đời. Coi như chúng tôi mang một món nợ ơn nghĩa mà không sao trả được”, chị Vân nói như tâm sự trước khi chúng tôi từ giã.

Chị Vân nói nghề muối của chị chưa được lập hiệp hội và cũng không biết nếu “nhà nước” đăng ký thì ai sẽ là chủ sở hữu của thương hiệu này?

Nguyễn Trọng Tín
Theo Sài Gòn Tiếp Thị Online - Phóng sự - Điều tra - Lên rừng mua muối

Sạc dự phòng Xiaomi 10400 mAh